Nha khoa Mạnh Chiến

Đeo hàm giữ khoảng ở trẻ mất răng sữa sớm

Đeo hàm giữ khoảng ở trẻ mất răng sữa sớm

Trẻ có thể cần sử dụng một hàm giữ khoảng khi mất răng sớm hay nhổ răng sữa trước tuổi do sâu răng. Trong các trường hợp này, chúng ta cần hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng hàm giữ khoảng đối với răng của trẻ như thế nào

Hàm giữ khoảng là một khí cụ bằng nhựa acrylic hoặc kim loại, được thiết kế riêng cho mỗi bé. Nó có thể là một hàm tháo lắp hoặc cố định vào cung răng với mục đích giữ khoảng cách để răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Răng sữa rất quan trọng trong sự phát triển của của răng, xương hàm và cơ nhai, đặc biệt giúp hướng dẫn cho răng vĩnh viễn vào đúng vị trí khi răng sữa rụng.

Trong trường hợp răng sữa bị mất sớm và khoảng mất răng đó không được duy trì, các răng sẽ bị xô lệch và nghiêng về phía chỗ răng bị mất, ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn sau này.

Không phải tất cả các trẻ mất răng sữa sớm cũng cần phải làm hàm giữ khoảng do đó bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ trước khi quyết định làm cho bé. Ba mẹ có thể tham khảo về Tuổi mọc và thay răng tiêu chuẩn của bé tại mục Tuổi mọc răng sữa và Tuổi mọc răng vĩnh viễn tại website dento.vn

Có 2 loại hàm giữ khoảng là tháo lắp và cố định


1. Tháo lắp: hàm giữ khoảng tháo lắp gần giống với một khí cụ chỉnh nha và thường được làm bằng nhựa acrylic. Trong một số trường hợp, có thể dùng một răng giả tạm thời để thay thế tạm thời cho răng chưa mọc.
2. Cố định: có 4 loại hàm giữ khoảng cố định chính là: hàm một bên, chụp thép một bên, hàm neo chặn phía xa và hàm mặt lưỡi.
– Loại hàm một bên và chụp thép một bên : được đặt ở một bên của cung hàm để giữ khoảng cho 1 răng. Hàm một bên có một vòng nhẫn bao quanh răng bên cạnh nối với một vòng kim loại ở khoảng mất răng. Còn chụp thép một bên thì thay thế vòng nhẫn bằng một chụp thép như một răng giả thông thường.

– Loại hàm neo chặn phía xa : thường được sử dụng để giữ chỗ cho răng hàm lớn vĩnh viễn đầu tiên. Nó phức tạp hơn các loại hàm khác bởi nó có một đầu kim loại neo giữ trong lợi để giữ khoảng ở phía xa cho răng 6. Nha sĩ sẽ cần kiểm soát quá trình mọc của răng hàm lớn để đảm bảo nó mọc chính xác với hướng dẫn của hàm giữ khoảng.

– Loại hàm mặt lưỡi  thường được dùng để giữ khoảng ở 2 bên và sử dụng cho các răng hàm, được liên kết bởi một cung dây ở phía trong của các răng phía trước. Thường được sử dụng khi có nhiều hơn 2 vị trí mất răng cần được bảo tồn.

Đôi khi bé có thể mất răng do bẩm sinh và có thể cần một phục hình răng giả với hàm duy trì. Vì vậy, ba mẹ cần trao đổi với nha sĩ để có được phương án điều trị tốt nhất.

ĐEO HÀM GIỮ KHOẢNG

Khi mới đeo hàm bé sẽ cần có thời gian để thích nghi với hàm mới dù là tháo lắp hay cố định. Ngoài ra ba mẹ cần cho bé đi khám thường xuyên để nha sĩ có thể kiểm soát được hiệu quả của việc đeo hàm cũng như tình trạng vệ sinh răng miệng của trẻ.

Nha sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách đánh răng và sử dụng chỉ tơ nha khoa phù hợp với bé.
Nếu sử dụng hàm cố định, hạn chế cho bé đồ ăn dính và có đường như kẹo cao su, kẹo ngọt vì nó có thể làm tuột hàm.

Bé cần đến thăm khám định kì để nha sĩ có thể kiểm soát được tiến trình điều trị và hiệu quả việc đeo hàm giữ khoảng để điều chỉnh khi cần.

Theo Colgate Professional